Phôt-pho 0,17%
Tại buổi hội thảo “Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” diễn ra sáng qua 8-7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ – người đầu tiên mang giống cây mắc-ca từ Úc về Việt Nam – nhận định đây là loại cây “không thể không đầu tư phát triển ở Việt Nam”.
Theo ông Tạn, Tây Bắc và Tây Nguyên là hai khu vực có khí hậu thuận lợi cho cây mắc-ca sinh trưởng. “Hơn nữa, xét về giá trị kinh tế, một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 đô la Mỹ/kg hạt thì chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 héc ta và có thể đạt được kim ngạch 1 đô la Mỹ xuất khẩu” – ông Tạn nói.
Trong khi đó, nhu cầu thế giới về hạt mắc-ca hiện gấp 4 lần tổng sản lượng, mà diện tích đất và vùng có khí hậu phù hợp với cây mắc-ca rất hiếm do đó, cung thường không đủ cầu. Nếu tăng diện tích, tăng năng suất mắc-ca thì loại cây này sẽ là mũi nhọn đột phá và giúp Việt Nam quy hoạch lại bản đồ chiến lược nông nghiệp, các chuyên gia tại hội thảo nhận định.
Sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm tại Việt Nam và thực tế ở các quốc gia đã phát triển cây mắc-ca, các chuyên gia nông nghiệp chưa phát hiện ra sâu, bệnh nghiêm trọng ở loại cây này.
Mắc-ca là loại cây lâu năm, có thể cho thu hoạch tới 100 năm, thân gỗ của mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Và trong 3 – 4 năm đầu khi mắc ca chưa có quả, có thể xen canh các loại cây như cà phê và nhiều loại cây hoa màu, cây dược liệu ngắn ngày để tăng thu nhập cho nông dân, ông Nguyễn Công Tạn nói.
Để khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây mắc-ca, Chính phủ đã có những chính sách thích hợp. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ ngày 10-2-2014 quy định: “Các dự án trồng cây mắc-ca có quy mô từ 50 héc ta trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/héc ta để xây dựng đồng ruộng, cây giống; hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”.
Trước đây, khi trồng cây mắc-ca, nhiều người lo ngại không có đầu ra cho sản phẩm nhưng gần đây đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này; trong đó có Vinamaca, công ty IDT, mới đây Lienviet Postbank cũng công bố đề án 10.000 tỉ đồng đầu tư vào mắc-ca.
Ông Lê Tùng Anh, Giám đốc dự án mắc-ca của IDT cho hay, sản lượng hạt mắc-ca ở Việt Nam hiện nay còn rất nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, chưa nói tới xuất khẩu. Nhiều đơn vị, do thiếu nguyên liệu nên phải nhập khẩu mắc ca về chế biến sau đó lại xuất ra nước ngoài.
Theo ông Phạm Duy Thành, Giám đốc Công ty cổ phần mắc-ca tỉnh Điện Biên, hiện nay sản lượng quả mắc ca trên địa bàn tỉnh mới chỉ đủ cho làm giống. Công ty đang có kế hoạch mở khu chế biến ở Điên Biên. Hiện tại Công ty có hai hướng liên kết: phát triển trồng cây mắc-ca trên diện tích UBND tỉnh giao và liên kết với người dân có đất, có lao động và công ty sẽ hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, thu mua…
Cây mắc-ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc-ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”.
Sản lượng mắc ca trên toàn thế giới hiện chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm. Theo các thống kê trên thế giới, 5 nước đứng đầu về sản lượng mắc ca hiện là Úc, Nam Phi, Mỹ, Malawi và Brazil. Việt nam hiện đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích mắc-ca lớn nhất trên thế giới với khoảng 1.000 héc ta.
Vỏ của quả mắc-ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hat mắc-ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc-ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.